Bệnh sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục rất thường gặp. Bệnh có thời gian diễn tiến kéo dài nhiều tháng đến nhiều năm. Điều đáng lưu ý là hiện tại vẫn chưa có phương pháp nào giúp điều trị bệnh triệt để và vẫn còn nhiều người chưa nhận biết đầy đủ các thông tin về bệnh dẫn đến chưa biết cách phòng ngừa bệnh hiệu quả. Bài viết dưới đây là những thông tin hữu ích về nguyên nhân, biểu hiện bệnh, phương pháp điều trị và cách dự phòng bệnh.
Tổng quan về bệnh sùi mào gà
Sùi mào gà (Genital warts) hay mồng gà còn gọi là mụn cóc sinh dục là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất, gần như tất cả những người hoạt động tình dục sẽ dẫn tới bị nhiễm ít nhất một loại papillomavirus ở người (HPV), loại virus gây ra sùi mào gà ở bộ phận sinh dục. Sùi mào gà ảnh hưởng đến các mô của vùng sinh dục với hình dạng như vết sưng nhỏ, màu da thịt hoặc có hình dạng giống như súp lơ. Trong nhiều trường hợp, mụn cóc quá nhỏ nên không thể nhìn thấy.
Tương tự như mụn cóc xuất hiện ở nơi khác trên cơ thể, mụn cóc sinh dục là do papillomavirus ở người (HPV) gây ra. Một số chủng HPV sinh dục có thể gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục, trong khi những chủng khác có thể gây ung thư. Vắc-xin có thể giúp bảo vệ chống lại một số chủng HPV sinh dục.
Nguyên nhân mắc bệnh sùi mào gà
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sùi mào gà:
- Quan hệ tình dục không an toàn: Bệnh lây qua giao hợp nam nữ thông thường, quan hệ bằng miệng, quan hệ qua hậu môn.
- Lây từ mẹ sang con: Thai phụ bị bệnh sùi mào gà có thể lây cho thai nhi ngay từ khi còn trong bụng mẹ thông qua cuống rốn, nước ối hoặc lúc chuyển dạ.
- Virus tồn tại trong dịch nhờn chảy ra từ các mụn sùi mào gà nên khi có sự tiếp xúc thân mật như ôm, hôn, dùng chung đồ dùng cá nhân hoặc vô tình cọ vùng da hở của mình vào các dịch này cũng làm lây nhiễm bệnh.
Các triệu chứng của bệnh sùi mào gà
HPV là một loại virus DNA gây u nhú ở người, các u nhú mọc chủ yếu ở da và niêm mạc. Các biểu hiện thương tổn do HPV gây ra là những mụn cóc, hột cơm, u nhú hay tổn thương phẳng. Khi các mụn này xuất hiện ở bộ phận sinh dục thì gọi là mồng gà, sùi mào gà. Thời kỳ ủ bệnh sùi mào gà khá dài, có thể từ 2 – 9 tháng sau khi tiếp xúc mầm bệnh HPV, ngay trong giai đoạn chưa thể hiện triệu chứng sự lây nhiễm đã có thể xảy ra.
- Các triệu chứng lâm sàng: Ða số bệnh nhân không có triệu chứng bệnh sùi mào gà, chỉ có khoảng 1% số người nhiễm thấy xuất hiện những tổn thương u nhú màu hồng tươi, mềm, không đau, có dạng giống như mào của con gà, dễ chảy máu. Các nốt sùi có thể mọc bất kỳ chỗ nào trong cơ quan sinh dục: âm hộ, hậu môn, dương vật, lỗ niệu đạo, cổ tử cung, thậm chí gặp cả ở miệng, họng. Về sau, các mụn sùi có thể phát triển thành những gai nhỏ, chiều dài có thể đến vài cm, liên kết với nhau thành một mảng rộng trông giống như mào gà hoặc hoa súp lơ màu trắng hồng, bề mặt mềm, mủn, ẩm ướt.
- Ở nữ giới sùi mào gà xuất hiện ở âm vật, môi nhỏ, quanh lỗ niệu đạo, tầng sinh môn, cũng có thể ở cổ tử cung, hậu môn. Các mụn này có mọc li ti hoặc tạo thành cụm lớn tùy vào cơ thể cũng như tình trạng của từng người. Người bệnh mệt mỏi toàn thân, chán ăn, sút cân, đau rát khi quan hệ và từ đó cũng giảm ham muốn tình dục.
- Ở nam giới xuất hiện các mụn mọc đơn lẻ, nhô cao như những nhú gai, màu hồng, có chân hoặc cuống, không có cảm giác ngứa ngáy, đau hay khó chịu ở rãnh quy đầu, bao da và thân dương vật, miệng sáo, da bìu, hậu môn. Một số trường hợp sùi mào gà phát triển thành một khối lớn, to bằng nắm tay, màu đỏ tươi, tiết dịch mùi hôi thối.
Hình ảnh sùi mào gà phát triển qua các giai đoạn
Ngoài ra, sùi mào gà cũng có thể xuất hiện ở mu, bẹn, hậu môn ở cả hai giới. Đối với các đối tượng có hành vi quan hệ tình dục bằng miệng, các sùi mào gà có thể hiện diện trong khoang miệng của người bệnh. Các sùi mào gà thường không đau. Trường hợp hiếm, người bệnh có thể cảm thấy ngứa, đau hay chảy máu tại các sùi.
Các phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà
Sử dụng thuốc bôi
- Bác sĩ sẽ kê toa các loại thuốc bôi lên các tổn thương sùi như Podo.filox, immiquimod, sinecatechin.
- Người bệnh cần xác định được sùi mào gà để tự bôi thuốc tại nhà. Lưu ý, cần bôi thuốc lên đúng vị trí của sùi và tránh bôi nhầm vị trí khác.
- Người bệnh phải thực hiện bôi thuốc theo đúng hướng dẫn của bác sĩ để đạt được hiệu quả.
Dùng phương pháp áp lạnh
- Phương pháp này dùng nhiệt độ thấp để phá hủy các sùi mào gà.
- Hạn chế của phương pháp này là gây đau, hoại tử và nổi mụn nước vùng được áp lạnh.
Phẫu thuật
Các phương pháp cắt bỏ, laser CO2 hay đốt điện có thể loại bỏ nhanh và ngay lập tức các tổn thương sùi mào gà. Tuy nhiên hạn chế của phương pháp này là nguy cơ chảy máu khi thực hiện phẫu thuật, không đảm bảo được rằng các tổn thương không tái phát trở lại.
Phòng ngừa sùi mào gà như thế nào?
Hiện tại không có phương pháp điều trị bệnh sùi mào gà dứt điểm nên cách tốt nhất là thực hiện những biện pháp phòng ngừa bệnh hiệu quả. Vắc xin HPV giúp phòng bệnh sùi mào gà, ung thư cổ tử cung và các u nhú ở bộ phận sinh dục.
Tại Việt Nam có 2 loại vắc xin, một loại giúp phòng ngừa 2 tuýp (16,18) và loại còn lại giúp phòng ngừa 4 tuýp (6, 11, 16, 18). Đối tượng có thể được tiêm phòng là nữ giới từ 9-26 tuổi, chưa hoặc đã có quan hệ tình dục. Tuy nhiên, vắc xin cũng có hiệu quả đối với nam giới, mặc dù chưa được chỉ định thực hiện tiêm chủng ở nước ta.
Vaccine HPV phòng ngừa sùi mào gà
Thực hiện hành vi quan hệ tình dục an toàn, không quan hệ tình dục bừa bãi và sử dụng các biện pháp bảo vệ như bao cao su. Khi nghi ngờ mắc bệnh, nam giới nên đến khám chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Bệnh sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến trong dân số. Khi mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh, mọi người nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời. Ngoài ra, vì hiện tại chưa có phương pháp điều trị bệnh triệt để nên cách tốt nhất là áp dụng các biện pháp phòng tránh lây nhiễm hiệu quả để hạn chế đến mức tối thiểu nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà.